Đừng để người ta ngượng vì tặng sách

→ Bài Viết Đang Xem..
2014-04-21
Hưởng ứng ngày Sách Việt Nam 21/4, tự cho phép mình lê thê đôi chút về chuyện đọc sách.
1. Người yêu cũ của tôi từng kể một chuyện khiến cả hai cùng sửng sốt, đó là về một cô bán nước ham đọc sách. Cô bán nước đọc sách cũng không hẳn là chuyện lạ, giống như dân xe ôm hay đọc báo giết thời gian vậy, đáng nói là sách mà cô đọc là quyển in dày, tiếng Anh, chữ nhiều và bé như con kiến lít nhít. Không biết có phải vì quán nước của cô ở gần thư viện Quốc gia không mà cô uyên bác đến thế, chỉ biết người yêu cũ của tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ mà nhìn thấy cuốn sách cũng phải lè lưỡi. (Tôi nhớ lần gần nhất thấy anh chàng lè lưỡi là khi nghe thuật ngữ "đam mỹ, hủ nữ" du nhập cùng chuyện ngôn tình Trung Quốc). Còn tôi vừa ngả mũ trước người phụ nữ trong câu chuyện ấy vừa ước gì mình không phải làm vậy. Nếu đất nước mình ai cũng ham đọc và đọc hoành tráng như cô thì cần chi phải ngạc nhiên nữa cho nhọc lòng.
Đừng để người ta ngượng vì tặng sách
2. Tôi có rất nhiều bạn học văn, nhiều người trong số ấy, tôi biết đã từ lâu không đụng đến một cuốn sách. Trong nhà họ, nổi bật là ti vi màn hình phẳng mấy trăm kênh giải trí, điện thoại đời mới, tablet sang chảnh... nhưng nhiều nhà không có giá sách. Có thể họ đọc ebook, cũng có thể ngôi nhà đã bớt đẹp khi không dành một không gian cho sách in. Mà đó là những người học văn, học giỏi là đằng khác. Người học văn mà đến nay lãng quên sách thì là lỗi của ai? Của nền giáo dục đã bị phê phán quá nhiều vì tội chạy theo thành tích, dạy và học theo văn mẫu, không có định hướng nghề nghiệp? Của cuộc sống quá khó khăn và bon chen nên người ta chạy theo cơm áo gạo tiền mà chẳng màng sách vở? Của xã hội đua đòi sống gấp theo thức ăn nhanh - fast-food?... Chắc là lỗi hệ thống rồi. Có điều, tất cả những lí do trên đều ngụy biện làm sao ấy. Phải chăng là tại mình lười?
Dân văn chương đã vậy, khối tự nhiên còn tệ hơn, thế hệ của tôi có lẽ đa số suốt đời chỉ đọc được bộ "Bảy viên ngọc rồng" hay "Đô rê mon" là hết. Đến nỗi có tình trạng phổ biến là khi sếp cần viết một đoạn phát biểu ngăn ngắn, người ta phải lục tung cả cơ quan tìm cho ra đứa văn hay chữ tốt; còn nhiều kỹ sư thuộc hạng siêu phàm, vọc máy tính nhoay nhoáy nhưng không viết nổi một dòng báo cáo cho đúng văn phạm...
3. Trước kia, tôi cũng thích tặng sách hoặc cho mượn, trao đổi với bạn bè. Nay, như thói ích kỷ thường thấy của bọn nhà giàu mới nổi (chú ý ở đây là giàu sách ạ), tôi giữ khư khư những cuốn sách mua được, thậm chí còn định lập thư mục để kiểm soát cho tiện. Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ tới việc tặng ai đó sách nữa, sau khi nghe câu chuyện của một người bạn, vì tặng sách mà ngượng, bởi nó bị đối xử khá là lạnh nhạt so với những món quà lung linh khác. Hơn nữa, tôi cũng lười, tặng sách là công phu lắm, trước tiên mình phải ưng cái bụng, rồi cuốn sách phải hợp gu người được tặng, đồng thời mình lại muốn đảm bảo trong đó không có nội dung gì xếch mé hay gây suy diễn, hiểu nhầm... Vậy đấy, thế rồi người ta nhận sách mà mặt nặng như chì thì mình còn buồn hơn đưa đám.
Cuốn sách hay
4. Tôi thích xem phim và tôi nhận ra, nhân vật trong phim Mỹ phong phú vô cùng. Những nhân vật của họ, từ anh thợ sửa tàu (Thông điệp trong chai - Messages in a bottle) đến người nông dân (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên), thậm chí một tay trộm (Nụ hôn kiểu Pháp - French kiss)... nghĩa là không thuộc giới trí thức, đều có lối ứng xử rất nhân văn (nhân đây lăng xê vài bộ phim tâm lý đáng xem). Bạn có thể nói đó chỉ là trên phim, nhưng tôi tin đó cũng là sự thực cuộc đời, vì nó tự nhiên và lắng đọng, như là một phần con người họ, chứ không hề gượng ép, kịch như trong một số phim ta (xin lỗi các bạn làm phim).
Lan man như vậy cũng chỉ để nói, Tây họ nhân văn hơn ta là do có nền tảng xã hội tốt hơn, nền tảng đó có được tất nhiên là nhờ sách.
Chồng tôi có mong muốn suốt đời sẽ tạo dựng được một giá sách đồ sộ như thư viện nhỏ, nếu mình đọc không hết, con sẽ đọc thay mình. Tôi bảo, lỡ con chẳng thích đọc thì làm thế nào? Anh bảo, số thế thì chịu. Tôi nghĩ, dù chẳng may có đứa con không màng tới sách thì vẫn có thể an ủi là do số, một khi đã miệt mài nêu gương, còn hơn là ân hận suốt đời vì không bao giờ tặng con được một cuốn gọi là có.

Tái bút: Bài viết vừa là hưởng ứng ngày Sách vừa nhân chuyện bực mình vì ở trung tâm một huyện có gần 159 nghìn người dân mà tuyệt nhiên không bán sách - tức là trừ sách giáo khoa và sách tham khảo - còn "người vận chuyển" thì chửa mang sách hay về cho mà đọc.
Cao Phượng Diễm
Có 0 bình luận cho bài viết "Đừng để người ta ngượng vì tặng sách"
Sửa bài đăng
 
Di chuyển lên trên cùng

Bình luận bài viết