Sư theo Phật giáo Nam tông Khmer tu như thế nào?

→ Bài Viết Đang Xem..
2014-10-01
Đi tu làm sư là một giai đoạn lí tưởng trong cuộc đời người đàn ông Khmer. Đi tu không phải là xuất gia, lánh khỏi chốn trần thế như hệ phái Bắc tông mà là báo hiếu cho cha mẹ, là trách nhiệm với cộng đồng, là nghĩa vụ của một người đàn ông chân chính có đạo đức.
Trong quan niệm truyền thống, những người thanh niên Khmer nào chưa bước qua ngưỡng cửa nhà chùa thường không được cộng đồng coi trọng, thậm chí là khó kết hôn. Do vậy, xét về bản chất, đi tu của người Khmer có những nét khác biệt lớn so với người Việt và người Hoa.
Sư theo Phật giáo Nam tông Khmer tu như thế nào?
Sư theo Phật giáo Nam tông Khmer phải cạo đầu và cả lông mày, râu (khác với Bắc tông chỉ cạo đầu, lông mày vẫn để nguyên và râu nhiều khi dài hơn người thường). Nếu như sư Bắc tông chỉ ăn chay thì sư Nam tông không phân biệt lắm vấn đề chay mặn. Tu cốt là ở tâm, chứ không phải vật. Nếu như sư Việt và Hoa tự nấu ăn thì Sư Khmer hầu hết đều phải đi khất thực (gọi là đi bát) mỗi sáng sớm để nhận thức ăn của tín đồ dâng cúng. Thiên hạ dâng gì dùng nấy, không quan trọng, miễn là thức đó không phải do sự tự chế biến. (Chi tiết này khi coi phim Tây du kí thì thấy rõ: Đường tăng chỉ xin cơm chay, gặp mặn thì ko nhận - Xin mà còn chê!). Sư Bắc tông thì ăn cả ngày còn sư Khmer sau giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì không dùng thức ăn nữa, chỉ dùng nước.

Sư Khmer phải lao động làm việc khi chùa có việc (xây chùa, dọn dẹp, làm ruộng nếu chùa có ruộng). Việc chứng kiến một số nhà sư mồ hôi nhễ nhại, vận cà sa gọn gàng, hùng hục trộn bê tông, đổ khuôn, xây tường, ... là điều bình thường đối với cộng đồng người Khmer. Hình ảnh đó, ít thấy đối với một số ngôi chùa Việt. Phần lớn sư Khmer đều hoàn tục để sống hết phần đời còn lại, sư Việt và Hoa thì ít thấy. Người Khmer khi làm sư, nghĩa là trở thành một bậc khác, phẩm cách khác, thậm chí cha mẹ ruột của mình gặp phải cúi đầu lạy. Nhà sư Khmer khi có chức vụ trong chùa, lúc nói chuyện với gia đình phải nói có người khác chứng kiến và không được có ý tứ riêng tư.

Có thể nói, hiếu thảo lòng tin Phật giáo là hai đặc tính quan trọng nhất trong tính cách người Khmer. Nhưng quan trọng hơn, sự tuân thủ nguyên tắc hành đạo và triết lí của Phật thích ca cùng với tính thực tiễn trong cuộc sống mới tạo nên hồn cốt của dân tộc Khmer./.
Huỳnh Vũ Lam
Có 0 bình luận cho bài viết "Sư theo Phật giáo Nam tông Khmer tu như thế nào?"
Sửa bài đăng
 
Di chuyển lên trên cùng

Bình luận bài viết