Đạo đức kinh doanh thì ai cũng dễ hiểu. Đó là những yêu cầu có tính đạo đức do xã hội quy định trong kinh doanh, buôn bán. Tính trung thực, tính chấp hành luật pháp, nộp thuế đầy đủ, chữ tín, ... là những vấn đề của đạo đức kinh doanh. Trong truyền thống của nhiều dân tộc, đạo đức kinh doanh trở thành những chuẩn mực được truyền dạy trong gia đình, phường hội, xóm giềng và cả trường đại học. Trong những nền kinh tế mà dạo đức kinh doanh yếu kém thì sự phát triển của nền kinh tế đó không bền vững. Trong một công ty, nếu thiếu chuẩn mực về đạo đức trong kinh doanh thì công ty đó hoặc sẽ phát triển không đều hoặc sẽ chỉ có phạm vi kinh doanh hạn hẹp.
Nhưng kinh doanh đạo đức thì không phải ai cũng dễ nhận ra. Trong trường hợp này, đạo đức trở thành một đối tượng để người ta kiếm tiền trên nó. Sự kiếm tiền trên đặc tính đạo đức nó tinh vi đến mức người ta không nhận ra và thường tự ru ngủ mình. Vậy thế nào là kinh doanh đạo đức?
Đó là những ngành nghề kiếm tiền dựa trên lòng trắc ẩn, sự thương hại, tình nghĩa gia đình, sự thủy chung, lòng hiếu thảo, ... của con người. Tất cả những đức tính vừa nêu thuộc lĩnh vực đạo đức của tinh thần, nó vô giá và nó không được cân dong đo đếm. Do đó, khi nó trở thành đối tượng kinh doanh, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận. Ví dụ, nếu bạn bán một chai thuốc trị bệnh giá 20 triệu bằng cách giới thiệu như một món hàng, đó là đạo đức trong kinh doanh. Nhưng khi bạn giới thiệu nó như một sự hiếu thảo và có nghĩa của một đứa con đối với mẹ; như là hành động giúp đỡ người thân mang lại sức khỏe; như là mục tiêu của công ty chỉ mang lại sự an toàn cho tương lai của mọi người, thì lúc đó sẽ là kinh doanh đạo đức. Nhiều công ty bán thực phẩm chức năng đều dựa vào yếu tố người bệnh để thể hiện lòng hiếu thảo. Hệ luy của những kiểu bán hàng đa cấp cũng là một biểu hiện của kinh doanh đạo đức. Ở đó, người ta lợi dụng tình thâm và các mối quan hệ để kiếm lợi cho bản thân. Nghĩa là dùng đạo đức để kiếm tiền.
Một biểu hiện khác của kinh doanh đạo đức là cách tỏ ra lo lắng cho sự an toàn và tương lai của bạn. Họ sẽ sưu tầm những câu chuyện nhằm khơi gợi lòng trắc ẩn, lương tri, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm của mỗi người và họ kiếm tiền từ những hợp đồng bảo hiểm. Bằng những lời lẽ tốt đẹp về tương lai và những món lợi kếch xù trong một tương lai cộng với những giá trị đạo đức mà bạn tưởng rằng mình đã thực hiện, các hợp đồng bảo hiểm đã gián tiếp dùng các giá trị đạo đức để kiếm lời. Bản chất kiếm tiền của nghề bảo hiểm là một dạng kinh doanh, nhưng kinh doanh dựa vào niềm tin và các giá trị đạo đức, lấy nó làm đối tượng để tác động. Do đó, đạo đức được dùng để kiếm tiền và trả lương cho nhân viên.
Hãy nhớ rằng khi bạn sung sướng và ấp ủ bao hoài bão cho một tương lai khá xa vời cũng với món tiền phải đóng cho khoảng 10 năm tới cho một hợp đồng bảo hiểm thì cũng là lúc công ty bảo hiểm tổ chức tiệc tùng linh đình và thưởng tiền cho nhân viên của họ vì kí được nhiều hợp đồng. Bên cạnh những câu chuyện đầy nước mắt mà họ đưa ra để bạn xúc cảm là những bảng lương cao hấp dẫn của nhân viên bán bảo hiểm đang đưa ra để kêu gọi người khác. Khi bạn nghĩ tời lòng trắc ẩn, họ đang kiếm tiền đấy. Hãy nhìn nhận rõ điều này để không bị đánh đồng bởi việc bạn cho rằng mình thực sự đã làm việc tốt. Dĩ nhiên, trong kinh doanh, vẫn có phần lợi cho người mua. Nhưng nếu người mua biết dùng tiền để kinh doanh cái khác, họ có thể kiếm lợi nhiều hơn nữa.
Vì vậy, khi bạn đang kinh doanh đạo đức, bạn phải hiểu rằng mình đang dùng một đặc điểm không thể đo đếm để đo lòng người, dùng một tính chất không thể tính toán để giúp người khác tính toán tương lai, dùng một thứ tình thâm vô bờ bến để hoạch định bến bờ cho những cuộc đời, bạn đã phạm vào một giá đẹp của nhân loại. Cho nên khi kêu gọi lòng trắc ẩn của khách hàng, bạn đừng cho rằng mình đang ban ơn hay chỉ lối cho họ; hãy nghĩ rằng mình đang kiếm tiền trên niềm tin của người ta để bớt đi những lời cực đoan./.
Huỳnh Vũ Lam