Ngôi nhà lọt thỏm giữa vườn cây. Nó nhỏ bé, xinh xắn và lạ. Ai trong vùng cũng biết đến vì nhiều lẽ. Nó được dựng lên từ lòng yêu thương của một số Phật tử dành cho người họa sĩ tài hoa, hào phóng nhưng rất nghèo. Ông ấy là dượng Út của tôi. Ông đã vẽ rất nhiều phong cảnh làm nền sau lưng các tượng Phật và vô số việc trang trí khác cho ngôi chùa gần nhà mà không nhận thù lao. Vị Thượng Tọa và Phật tử cảm kích vô cùng vì họ biết rất rõ cảnh nghèo túng của dượng. Họ yêu quý lòng nhân và bàn tay sáng tạo tuyệt vời nên đã mang đến nhà người họa sĩ nghèo những tấm ván còn thừa sau khi tôn tạo chùa. Để đủ ván làm một ngôi nhà hoàn toàn vách gỗ có bề ngang 4 mét, dài 10 mét, ông ngoại đã cho dượng đốn thêm cây dầu cổ thụ sau nhà để đem đi xẻ ván. Những bác thợ mộc được mời đến để cùng họa sĩ dựng lên ngôi nhà yêu thương ấy thay cho mái lá xiêu vẹo. Những tấm ván được bào nhẵn, đánh bóng khiến những đường vân thiên nhiên nổi bật, tuyệt đẹp. Chúng được ghép san sát nhau tạo thành những bức vách ấm áp che nắng, chắn mưa bên ngoài. Đặc biệt là sàn phòng khách được lót ván. Dượng chỉ bày một cái bàn thấp và mấy cái gối, vậy là có chỗ để chủ khách ngồi xếp bằng vừa nhấm nháp trà thơm vừa đàm đạo. Tôi thích nhất là cái cửa sổ rộng để hương hoa nguyệt quế ùa vào đêm đêm. Đứng tỳ tay ở đó trông ra vườn, tôi luôn có cảm giác bình yên lạ lùng. Cây nối cây, lá chạm lá tạo nên một không gian xanh mát rười rượi. Phía trước nhà là mấy nọc trầu vàng. Chính tay dì Út đã ươm trồng để kiếm thêm ít thu nhập. Chúng chẳng đem đến cho dì dượng bao nhiêu nhưng những chiếc lá trầu như nhắc nhớ tình yêu của họ đẹp như chuyện cổ tích, như tranh vẽ. Họ không con cái, không tài sản nhưng vẫn đầm ấm khác thường.
Khi dượng bệnh nặng phải nằm viện, tôi theo mẹ đến giữ nhà giúp để dì yên tâm lo chăm sóc chồng. Đó là những ngày đáng nhớ nhất của tuổi thơ tôi. Tôi được ngắm nhìn, sờ mó những vật dụng bằng gỗ hay tre trúc mà dượng đã tạo nên trong ngôi nhà gỗ. Như chiếc ghế nhỏ để dì Út ngồi rửa chén bên sàn nước. Cái gáo dừa bóng nhẫy có đóng cán để múc nước trong lu. Cái bàn gỗ và hai cái ghế đai trong cái bếp bé tẹo. Cái cối và cái chày đâm tiêu cũng bằng gỗ lên nước bóng lưỡng. Những cái bình hoa được làm từ những đoạn tre đằng ngà xinh xắn. Nó khiến cho ngôi nhà tươi tắn hẳn lên khi cắm vào đó một ít hoa Lan Ý hay những đóa hoa Thiên Điểu cắt bên hè nhà. Tôi thích nhất là phòng khách. Tôi có thể nằm lăn trên sàn nhà để cảm giác mát lạnh len từ lưng lan tỏa khắp cơ thể. Nằm ở đó, tôi có thể lắng nghe tiếng ve rền vang trên vòm lá bên ngoài. Nếu có mưa thì tiếng nước tí tách gõ nhẹ vào vách, êm êm như lời vỗ về của mẹ ban trưa. Tôi thường lim dim rồi ngủ quên một giấc đến xế chiều.
Dượng mất. Ít lâu sau dì Út bán nhà và mảnh vườn nhỏ để trả nợ. Dì về cất nhà bên cạnh nhà tôi. Nhưng ngày nào dì cũng đi ngang qua ngôi nhà cũ, nhóng cổ nhìn vào như tìm kiếm chút hương ngày cũ. Rồi cũng chẳng bao lâu, dì không còn dịp để nuối tiếc. Vì người chủ mới dở bỏ ngôi nhà gỗ, cho chặt hết cây cối xung quanh. Mấy nọc trầu vàng cũng bị bứng gốc, ném đi. Họ xây một ngôi nhà bốn tầng cao ngất nghểu. Những tấm ván đượm nghĩa tình bị ném qua một bên. Rồi khi công trình hoàn tất, người ta chở nó đi đâu mất. Dì tôi ngã bệnh liệt giường rồi cũng qua đời.
Ngôi nhà gỗ chỉ còn in đậm trong ký ức của tôi. Cứ đến ngày giỗ của dì dượng, tôi lại nhớ da diết những mảnh ghép yêu thương ngày cũ. Rồi tôi lại ao ước giá mà mình tậu được một ngôi nhà như thế. Nhưng ngày qua ngày, tháng qua tháng, ước mơ vẫn mãi là mơ.
Nguyễn Thị Mây