Đồng kính gửi: Tổng thư ký Uỷ ban Phụ nữ và Đồng ấu
Tôi viết đơn này với tấm lòng thay thiết xin cho con tôi, cháu Bảo Thạch, 6 tuổi được bắt đầu sự nghiệp học hành vinh quanh của mình từ trường Đại học. Tôi xin trân trọng nhắc lại là trường Đại học. Tôi cũng xin cam đoan là trường Đại học nào cũng được, không quan trọng đẳng cấp quốc tế hay quốc nội, tuy rằng trường quốc nội thì phù hợp hơn.
Có thể quý vị tưởng tôi bị điên, hay chí ít cũng là hâm cực nặng. Có thể quý vị đang cười khẩy vào mũi tôi vì tưởng tôi nói bừa, xin bừa mà không có căn cứ khoa học. Chẳng qua vì quý vị đã nhìn thấy hoặc chính quý vị đã xin/làm được nhiều thứ mà chẳng cần có căn cứ khoa học gì. Tôi thì khác. Tôi bám chặt vào đời sống. Tôi lấy đời sống làm căn cứ cho lá đơn đường đột này của tôi.
Quý vị nhìn xem. Mỗi buổi sáng tinh mơ (viết cho hay vậy chứ thực ra có cả giữa buổi hoặc buổi chiều), hàng chục ngàn sinh viên ưu tú của nước nhà lên giảng đường với một và chỉ một quyển vở mà thôi. Đa phần sinh viên nữ mang vở kèm với son, phấn trong một chiếc túi thời trang nhỏ xinh. Sinh viên nam thì đơn giản hơn, họ quấn tròn và nhét vào túi quần. Thế rồi họ thơ thới, họ tung tăng chân sáo lên giảng đường. Rất nhiều lần tôi bắt quả tang họ vừa đi vừa hát hoặc vừa đi vừa mơ màng đến một cô cậu xinh giai hoặc đẹp gái nào đấy. Trong khi đó, các cháu tiểu học với thân hình bé nhỏ - ơn giời, có một ít cháu to đùng – phải gồng mình mang những chiếc cặp khổng lồ. Có cháu đã gãy xương vai vì cặp. Và có đầy cháu đã vẹo cột sống vì cặp.
Quý vị lại tiếp tục nhìn xem. Sau một BUỔI lên giảng đường vừa nghe giảng, vừa ngáp vặt, vừa tán gẫu, vừa mơ mộng, các sinh viên yêu quý của chúng ta có hẳn một buổi tối mênh mông và dịu mát. Để tranh thủ tối đa khoảng thời gian tươi đẹp này, hoạt động của các nam thanh nữ tú cực kỳ phong phú. Họ xem phim Hàn, họ hẹn hò, họ nói xấu nhau, họ xem bóng đá, họ oánh bạc, và đôi khi – oánh nhau như phim chưởng Hồng Kông. Một số ít trong đó học bài. Trong khi đó, các cháu tiểu học kết thúc giờ học ở trường sẽ làm gì? Tôi cá là quý vị không biết. Xin thưa, các cháu đổi cặp ngay tại cổng trường, nhận một chiếc bánh mỳ đầy chất dinh dưỡng từ phụ huynh, vừa gặm vừa leo lên xe để kịp đến lớp học thêm hoặc lớp năng khiếu (Phải thừa nhận là phụ huynh chúng tôi rất có năng lực trong việc phát hiện năng khiếu của con mình). Học thêm xong, các cháu về nhà, ăn bữa tối như ăn cướp để còn kịp làm bài tập. Quý vị nên nhớ rằng trong 09 tháng lớp Một, hệ thống giáo dục vĩ đại của chúng ta cho phép học sinh học 11 môn. (Xin lỗi quý vị tôi không liệt kê vì trí tuệ tôi không cho phép tôi nhớ nhiều môn học cùng lúc thế). Trong khi các anh chị đại học đang mải mê hôn hít hoặc nhàn bước ngao du thì các em tiểu học bé bỏng lại cày hùng hục trên ruộng chữ. Vui chơi trở thành xa xỉ. Rèn luyện thể chất trở thành điều không tưởng với lũ trẻ tiểu học, trong đó có con tôi.
Chứng kiến cảnh đó, tôi và chắc nhiều phụ huynh khác cũng như tôi. Đau lòng. Nhưng là một công dân Việt Nam cần cù (như chị Hai năm tấn), thông minh (như Ngô Bảo Châu) và ranh vặt (như Xuân tóc đỏ) tôi không chịu bó hand. Tôi suy nghĩ, tôi trăn trở cùng với 1000 ly cà phê và đã tìm ra giải pháp. Thật ra chỉ 998 ly nhưng tôi cứ nói vậy cho đúng mốt 1000 hiện nay, quý vị bỏ quá cho.
Để phù hợp với thể chất người chủ tương lai của gia đình tôi, [Tôi xin thay mặt cháu tạm thời từ chối danh hiệu “Người chủ tương lai của đất nước” vì nó nặng lắm, nặng hơn cặp sách nhiều] tôi xin cúi đầu đề nghị quý vị cho phép cháu Bảo Thạch được bắt đầu đi học từ cấp Đại học và học dần xuống đến lớp Một. Lúc đó chắc chắn cháu đủ sức khoẻ để mang cặp và đi học thêm. Trong thời gian cháu học đại học, tôi xin hứa sẽ đưa đón cháu đúng giờ, tránh tình trạng cháu giả vờ lên thư viện đọc sách để ngủ! (Có kèm vung tay 3 lần).
Trân trọng kính đơn.
Phạm Bằng Tiến