Khi tai, mắt cũng thích mì ăn liền

→ Bài Viết Đang Xem..
2014-04-30
1. Bố tôi, cũng giống như nhiều người dân Việt Nam khác, quá quen với mỳ ăn liền, hay còn gọi là mì gói, mì tôm (do loại mì đầu tiên có in hình con tôm trên vỏ). Về lý thuyết thì mì tôm được làm chủ yếu từ bột mì, song ăn tinh thì ai cũng biết vị và mùi bốc lên từ bát mì là của sắn đã qua chế biến. Đến khi tôi làm món spaghetti bằng mì Ý, bằng một vẻ mặt rất cảm thông, bố tôi bảo con làm chưa chín, sợi mì hình như còn sống. Tôi giải thích rằng không phải sống mà mì làm từ bột mì thì dai như thế, bố tôi vẫn lắc đầu mà rằng thế thì bố thích ăn mì tôm hơn, ăn thế này không quen. Thì ra bố tôi đã quen với sự mềm nhũn của mì tôm, cái vị của sắn bị làm át đi bởi đủ thứ gia vị cay, chua, mặn và cả mùi hành hăng hăng đánh lừa vị giác. Nên ông không thể thích được loại mì đúng là mì, lại còn phải chế biến lâu, rắc rối gấp mấy lần thứ mì (mà không phải là mì) chỉ cần thả vào nước sôi 3 phút.
Khi tai, mắt cũng thích mì ăn liền
2. Mỗi khi có cuộc tụ tập giữa các bà hàng xóm đã về hưu, ở nhà đi chợ và bế cháu hoặc các bà cô, bà bác ở quê, các bà đều sôi nổi bàn tán về các bộ phim đang được chiếu trên truyền hình. Các bà say mê nhất là phim Hàn Quốc, phim dã sử Trung Quốc, phim Việt Nam. Còn phim Âu Mỹ, kể cả phim đã từng được gọi là bom tấn hay phim được Oscar đều không được các bà để mắt tới. Nguyên nhân ư? Phim gì mà vừa nhanh vừa khó hiểu, chẳng biết chúng nó nói gì, làm gì thì đã hết rồi. Còn phim bộ Hàn Quốc, Trung Quốc, nhất là phim Việt Nam thì cực kỳ dễ hiểu. Nói câu nào hiểu câu nấy ngay lập tức, trẻ con cũng hiểu, đừng nói các bà mấy chục năm lăn lộn trong cuộc sống khó khăn. Thậm chí, sợ người xem không hiểu, các nhân vật còn diễn giải rất dài dòng. Để đảm bảo tính “giáo dục” của phim, đạo diễn không ngần ngại cho bất kỳ nhân vật nào trong phim rao giảng đạo đức, từ bà bán rau đến cô bé sinh viên. Diễn biến phim cũng rất mạch lạc, cứ một đường thẳng đuột mà đi, thỉnh thoảng có một đoạn nhớ lại quá khứ sau khi nhân vật bày tỏ nét mặt mơ màng, có hẳn lời dẫn là tôi chuẩn bị kể lại đấy nhé. Cái thu lại được sau khi xem mỗi bộ phim truyền hình Việt là một câu chuyện cố kể cho dài dòng, đủ tập phim, song phù hợp với các bà nội trợ cần thứ giải trí miễn phí, dễ hiểu, không cần suy ngẫm, giống như có thời gian rất thịnh hành các loại truyện diễm tình chữ to.

3. Cứ tưởng chỉ các bà nội trợ già mới thích những sản phẩm khoác danh nghệ thuật mà cứ trần trục nghĩa đen và ném thẳng vào mặt người thưởng thức như thế. Thì ra không phải. Khi phim “Les Miserable” dựng lại từ vở nhạc kịch nổi tiếng dựa trên tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, một cô bé phóng viên văn hóa nhăn nhó vì phải cầm vé đi xem phim. Hỏi sao không thích phim này, cô bé đau khổ trần tình: em chỉ thích xem phim tình yêu Hàn Quốc thôi. Đi xem về, mặt em tươi như hoa, hồ hởi bảo: Hay, phim này hay lắm. Chưa kịp mừng, em nói tiếp: nhưng giá kể bỏ những đoạn hát đi mà cho diễn viên nói thì hay hơn, vì hát em chả hiểu gì (tất nhiên lời hát cũng có phụ đề rồi). Phim dựng từ nhạc kịch, hay nhất những đoạn hát mà em đòi bỏ đi thì “chết cha” nhạc kịch của người ta chứ còn gì. Em học đại học chuyên ngành xã hội, làm phóng viên chuyên viết về văn hóa đấy!

Năm 2012, “Nhật ký của mẹ” là bài hát được giới trẻ yêu thích, share đầy trên mạng xã hội và các diễn đàn, nhất là ở những chỗ có nhiều phụ nữ, với những lời khen có cánh và liên tục đứng đầu bảng xếp hạng của chương trình Bài hát yêu thích. Bài hát được đánh giá là có sức tác động lớn, gây xúc động cho người nghe. Bài hát này cũng có ưu điểm là… rất dễ hiểu, ca từ giống như một đoạn văn được ngân nga, không có chất thơ, không giàu tính nhạc, tính hình tượng – một đặc trưng cơ bản của nghệ thuật lại càng không. Nếu như yêu cứ hét lên là yêu, xúc động nói là xúc động thì nghệ thuật tồn tại để làm gì? Song có lẽ cũng giống như bố tôi quen với mì ăn liền, chưa từng biết thế nào là mì thật sự làm từ bột mì thì khó lòng thấy spaghetti ngon ngay được, những người chỉ được cung cấp thường xuyên những thứ “nghệ thuật dễ hiểu” sẽ không tiêu hóa nổi những thứ cao cấp hơn nếu như không được học.

4. Theo thông tin từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới, năm 2012, Việt Nam tiêu thụ 5 tỷ gói mì, là nước tiêu thụ mì nhiều thứ 4 trên thế giới trong khi dân số đứng thứ 13. Tính trung bình có lẽ người dân Việt Nam ăn mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Nếu có thống kê về phần trăm số lượng các tác phẩm nghệ thuật dạng “mì ăn liền” được sản xuất và tiêu thụ và yêu thích trong một năm, có lẽ chúng ta cũng phải thuộc top đầu. Nếu liên tục ăn mì ăn liền trong 10-20 năm sẽ có nguy cơ cao bị máu nhiễm mỡ, bị bệnh tim mạch. Còn ăn nghệ thuật “giả mì” lâu năm thì xã hội có thể mắc những bệnh gì???./.
Mắt Lưu Cầu
Có 0 bình luận cho bài viết "Khi tai, mắt cũng thích mì ăn liền"
Sửa bài đăng
 
Di chuyển lên trên cùng

Bình luận bài viết